Huế là một ngoại lệ về khí hậu so với Bắc và Nam. Nơi đây khí hậu khắc nghiệt và có sự khác biệt giữa các vùng trong tỉnh. Vùng duyên hải, đồng bằng của tỉnh có hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng oi bức. Từ tháng 8 đến tháng 1 ở Huế là mùa mưa, bão lụt, vào mùa này thường có những đợt mưa suốt ngày và có khi kéo dài cả tuần lễ. Nếu muốn trốn mưa Huế chỉ cần vào Đà nẵng cách Huế 100km thì có thể bắt gặp lại những tia nắng mặt trời. Du khách muốn đi du lịch ở Huế nên chọn đi vào mùa khô để có thể thăm thú nhiều nơi.
LỄ HỘI
Lễ hội Điện Hòn Chén
Lễ hội Điện Hòn Chén diễn ra một năm hai kỳ - tháng ba (lễ Xuân tế) và tháng bảy (lễ Thu tế). Lễ hội diễn ra ở Điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản và đình Hải Cát, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Thiên Y A Na Thánh Mẫu, nguyên xưa là nữ thần của người Chăm có tên là Pô Yang Inô Nagar, gọi tắt là Pô Nagar, tức thần Mẹ Xứ Sở, mà theo truyền thuyết Chăm là thần đã sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quý, lúa bắp,…và dạy dân cách trồng trọt.
Sau lễ tế là rước Thánh Mẫu diễn ra vào ban đêm trên sông Hương. Đám rước đi từ sau điện Huệ Nam tới đình làng Hải Cát trên những chiếc thuyền được ghép lại thành bè với đèn nến sáng trưng, cờ xí sặc sỡ. Trên bè là đông đảo thiện nam tín nữ trong trang phục khăn chầu, áo ngự lộng lẫy, muôn màu, muôn vẻ trong như những ông hoàng bà chúa thời Nguyễn. Đám rước đem theo bàn thờ thánh cùng long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các khí tự như tán, cờ, quạt, đội hầu bóng những người phục dịchvà khaác hành hương. Đám rước sôi động trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm.
Tiếp đó là tế Túc yết, hát thờ, lên đồng hầu bóng diễn ra suốt đêm. Sáng hôm sau là lễ đại tế tại đình. Buổi chiều các kiệu rước lại long trong trở về Điện Hòn Chén. Đêm kết thúc lễ hội có lễ phóng sinh và thả đèn.
ĐIỂM THAM QUAN
1. Kinh Thành Huế
Phần kinh thành Huế còn lại đến ngày nay được xây dựng từ năm 1805 (thời vua Gia Long) và hoàn thành vao năm 1832 (thời vua Minh Mạng), bên bờ bắc sông Hương.
Kinh Thành Huế được xây dựng theo kiến trúc phương tây kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông. Kinh thành gồm 3 vòng thành: phòng thành, hoàng thành và tử cấm thành.
Bên trong các lớp thành cao hào sâu là một tổng thể với hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ. Tất cả những công trình này đuợc xây dựng xung quanh một trục chính, theo hướng nam bắc. Khởi đầu là Kỳ Đài (cột cờ), tiếp đến là Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hoà, điện Cần Chánh, điện Càn Thanh, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung và chấm hết ở cửa Hoà Bình. Các công trình kiến trúc còn lại được xây đăng đối ở hai bên đường trục.
Phòng thành là vòng thành ngoài cùng có chu vi 9.950m, thành có 11 cửa đường bộ và 2 cửa đường thuỷ, thành dày 21m có 24 pháo đài.
Hoàng thành là vòng thành thứ hai còn có tên là đại nội, chu vi 2450m. Hoàng thành có 4 cửa: Ngọ Môn (Nam), Hoà Bình (bắc), Hiển Nhơn (Đông), Chương Đức (Tây). Ngọ Môn là cửa chính nam của Hoàng Thành, ngày xưa nhà vua chỉ đi qua cửa này. Đây là một công trình kiến trúc gần như nguyên vẹn.
Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, chu vi 1.225m, có 10 cửa ra vào. Đây là nơi ở và làm việc của vua và gia đình. Nơi đây hầu như được tách biệt với thế giới bên ngoài.
2. Lăng Tự Đức (Khiêm lăng)
Lăng đuợc xây dựng ở hữu ngạn sông Hương, trên núi Dương Xuân, làng Thượng Ba, xã Thuỷ Xuân (cách Huế chừng 8km), giữa khu đồi thông tĩnh lặng. lăng khởi công năm 1864, hoàn thành năm 1867, trên diện tích khoảng 12ha
Toàn bộ lăng được bao quanh bằng một bức tường dày uốn lượn theo địa hình đồi núi. Kiến trúc trong lăng ngoài những yếu tố cần thiết của một lăng còn có những công trình kiến trúc phù hợp với nơi ở của vua Tự Đức.
3. Lăng Khải Định (Ứng lăng)
Lăng được xây dựng từ 1920 đến 1931, trên đỉnh núi Châu Ê, cách Huế 10km. nếu các lăng khác được dựng trên một vùng núi non trập trùng diện tích nhiều hecta, thì lăng Khải Định như một toà lâu đài đồ sộ xây bên truyền núi. Từ dưới chân núi lên tới tẩm điện qua 109 bậc.
Vật liệu xây dựng lăng Khải Định chủ yếu là sắt thép bê tông và sành sứ. Nét đặc trưng trong lăng Khải Định chính là kỹ thuật khảm sành, sứ trang trí lộng lẫy trên mặt tường, cột nhà và trần nhà. Đây là sự kết hợp giữa hai nền kiến trúc, văn hoá Đông – Tây rất tinh xảo.
4. Chùa Thiên Mụ
Chùa là một trong những kiến trúc tôn giáo cổ nhất và đẹp nhất ở Huế. Chùa được xây dựng trên đồi Hà Khê bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây.
Chùa được xây dựng đầu thế kỷ 17, gắn liền với một huyền thoại bà tiên áo đỏ. Bởi vậy chùa có tên là Thiên Mụ (bà tiên trên trời). Kiến trúc của chùa cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam nhưng đáng chú ý là ngọn tháp Phước Duyên. Tháp xây hình khối bát giác cao 21m, chia làm 7 tầng. Ở mặt phía nam, mỗi tầng tháp có một của cuốn đặt tượng phật như một khán nhỏ. Riêng tầng trên cùng đặt ba pho tượng.
Chuông chùa Thiên Mụ có tên là Đại Hồng Chung cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 3.285kg là một trong những thành tựu về nghệ thuật đúc đồng Việt Nam thế kỷ 18.
Bia đá chùa Thiên Mụ được dựng vào năm 1715, cao 2,6m, rộng 1,2m đứng trên lưng con rùa lớn tạc bằng đá cẩm thạch.
5. Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng)
Lăng xây dựng vào năm 1840, hoàn thành vào năm 1843, trên diện tích gần 20ha, tại vùng đồi Cẩm Khê, huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 12km.
Bao quanh lăng là bức tường thành cao 3m, dày 0,5m. Mặt trước lăng có tam quan. Trong lăng có hơn 30 công trình kiến trúc lớn nhỏ, được bố trí đăng đối theo một trục thẳng. Lăng Minh Mạng toát lên vẻ đường bệ, uy nghiêm nhưng rất hài hoà giữa các công trình kiến trúc và thiên nhiên.
|
|