Thành phố Cần Thơ mới được tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Thành phố Cần Thơ hiện nay tiếp giáp với 5 tỉnh, phía Bắc là An Giang và Đồng Tháp, phía đông là Vĩnh Long, phía nam là Hậu Giang và phía tây là Kiên Giang. Thành phố Cần Thơ cách Tp.Hồ Chí Minh 170km.
Thành phố Cần Thơ được mệnh danh là “Tây Đô”, nằm ở trung tâm đồng bằmg sông Cửu Long, giữa một mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt như: sông Hậu, sông Cần Thơ…. Cần Thơ là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, đây cũng là trung tâm văn hoá lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long với những đặc trưng của cư dân vùng Nam Bộ.
ĐIỂM THAM QUAN
1. Đình Bình Thuỷ
Đình Bình Thuỷ, tên cũ là đình Long Tuyền, toạ lạc trên đất phường Bình Thuỷ nên nhân dân quen gọi là đình Bình Thuỷ. Đình được dựng vào năm 1844, khi đó bằng tranh tre. Năm 1852 đình được vua Tự Đức phong sắc. Năm 1909 đình được xây lại, mái lợp ngói gồm hai khu: khu đình chính và khu “lục ấp”. Khu đình chính có năm ngôi nhà. Hai nhà vuông là tiền đình và chính điện, ba nhà nối hai nhà vuông với nhau. Khu “lục ấp” gồm một nhà hát và khu nhà chuẩn bị đồ cúng lễ. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kêng dẫn nước. Đình có kiến trúc khác với đình ngoài bắc: ngôi tiền đình và chính điện hình vuông, mỗi chiều có 6 hàng cột. Các cột trong chính điện được chạm khắc hình rồng , hoa mẫu đơn quấn quanh chánh điện có ba mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc có gắn tượng người, kỳ lân, cá hoá rồng. đình thờ bổn cảnh thành hoàng và thờ các vị có công với nước như Đing Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập…
Đình Bình Thuỷ là một công trình có giá trị về kiến trúc ở miền Tây Nam Bộ, vùng đất mới khai phá với những mảng chạm, những hoạ tiết trang trí, khắc gỗ rất tinh tế và sinh động mang nhiều kiến trúc dân tộc. Hội đình Bình Thủy diễn ra hai kỳ trong một năm: Hạ Điền (14 – 15 tháng 12 âm lịch) và Thượng Điền (12 – 14 tháng 4 âm lịch)
2. Chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng thành phố Cần Thơ, chợ chuyên bán nông sản, các loại trái cây của vùng. Sáng sáng , hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì thì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền.
Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều dịch vụ khác: phở, cà phê, quán nhậu nổi…Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi rất thiện nghệ áp mạn phục vụ khác đi chợ tận tình chu đáo, ngay cả khi sóng rập rình. Sự độc đáo của chợ nổi đã để lại nhiều ấn tượng cho du khác nước ngoài.
3. Bến Ninh Kiều
Ninh Kiều là trung tâm thành phố Cần Thơ, nằm ở phía hữu ngạn sông Hậu. Trên bến sông suốt ngày tấp nập tàu, thuyền xuôi ngược chở đầy những sản vật của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên bến Ninh Kiều là cảng Cần Thơ tàu thuyền tấp nập ra vào, gần bến Ninh Kiều có chợ Cần Thơ, một trung tâm buôn bán lớn ở miền Tây Nam Bộ
4. Vườn cò Bằng Lăng
Trên đường từ Cần Thơ về thành phố Long Xuyên (An Giang), qua khỏi thị trấn Thốt Nốt chừng 5km là đến vườn cò Bằng Lăng. Vườn nằm ở cuối cầu Bằng Lăng dọc theo bờ sông nhỏ, dưới những hàng cây rợp bóng trước một vùng nước trắng mênh mông như biển – đó là ruộng lúa đã gặt xong vào mùa nước nổi. Du khách đến thăm vườn cò sẽ được thấy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con cò (cò trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc) chao cánh và sà xuống những cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn…
Trong vườn cò còn có một cái tum dựng chìa ra bờ ruộng, làm bằng tre, cao chừng 3m, thoạt trông như một khán đài mà từ đó du khách có thể dõi nhìn khắp vườn cò, tìm hiểu cảnh sinh hoạt của đàn cò đông đúc giữa vùng đồng quê thanh bình của đồng bằng sông Cửu Long. |